Đăng nhập

Cổng TTĐT Phường Tân Hưng - TP Hải Dương

23/4/2023  |  English  |  中文

Di tích, danh thắng - Phường Tân Hưng

- Phường Tân Hưng hiện có tổng số 35 di tích, trong đó:

+  01di tích cấp Quốc gia (đình Liễu Tràng, khu dân cư Liễu Tràng),  04 di tích cấp tỉnh (đình Khuê Chiền – khu dân cư Khuê Chiền, miếu Thanh Liễu – khu dân cư Thanh Liễu, đình Đông Quan – khu dân cư Đông Quan và cụm di tích Đình, Miếu, Quán Sếu -  khu dân cư Khuê Liễu) và 30 di tích đưa vào danh mục kiểm kê của địa phương.

+ Tại các di tích nêu trên: Có 18 di tích giao cho ban quản lý di tích kiêm nhiệm quản lý, 07di tích (Chùa) do người đại diện cơ sở tôn giáo quản lý và 10 di tích thuộc sở hữu tư nhân do chủ sở hữu di tích tư nhân quản lý.

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích:

Thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh Hải Dương về việc ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Hải Dương, UBND phường Tân Hưng đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý như: Quyết định kiện toàn Ban Quản lý các di tích trên địa bàn phường Tân Hưng, Quyết định về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích,  Nội quy di tích kèm theo), Công văn  chỉ đạo về hoạt động của Ban Quản lý các di tích các khu dân cư trên địa bàn.,

- Công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn:

Thực hiện theo quy định tại  Nghị định số  162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016;  Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2028 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và Thông tư số 04/2023/TT-BTC ngày 19/01/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

+ Các lễ hội truyền thống tại các di tích, các khu dân cư trên địa bàn phường Tân Hưng định kỳ hàng năm được tổ chức vào đầu Xuân hàng năm (Từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm); Quy mô tổ chức: Khu dân cư; Nội dung: Tế, lễ, rước, dâng hương, văn nghệ và các trò chơi dân gian (tuỳ theo quy định cụ thể  và điều kiện cụ thể của khu dân cư (Thông thường 2 hoặc 3 năm/lần)trong lễ hội có đầy đủ các nội dung trên, còn các năm khác thì giảm bớt một số nội dung (rước, các trò chơi dân gian).

+ Nhận xét, đánh giá chung: Công tác quản lý, lãnh đạo chỉ đạo được quan tâm thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.Tình hình hoạt động của các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, các di tích trên địa bàn phường Tân Hưng trong những năm qua luôn được ổn định, các hoạt động tuân theo đúng quy định của Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.​
Một số di tích: 

​Ngôi đình cổ thờ vị tướng giúp Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc

Đình Khuê Chiền thờ võ tướng Đào Huy Lực
Tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng rộng ngay đầu khu, đình Khuê Chiền, phường Tân Hưng (TP Hải Dương) là một di tích có giá trị không chỉ về quy mô, kiến trúc nghệ thuật, hệ thống di vật, cổ vật mà còn về nhân vật được thờ trong di tích. 

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, lịch sử vùng đất và địa danh Khuê Chiền đã có sự thay đổi. Đầu thế kỷ XIX, Khuê Chiền là một thôn của xã Khuê Liễu, tổng Thạch Khôi, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, trấn Hải Dương. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Khuê Liễu chuyển thành thôn và sáp nhập với một số thôn khác thành lập xã mới, lấy tên là Hồng Liễu. Tháng 4.1946, để thuận lợi cho việc quản lý, 4 thôn Cương Xá, Bảo Thái, Bảo Tháp, Phúc Duyên của xã Đông Liễu thuộc huyện Tứ  Kỳ được cắt về huyện Gia Lộc và đổi tên xã Đông Liễu thành xã Phúc Liễu. Tháng 7.1947, xã Hồng Liễu và Phúc Liễu hợp nhất, lấy tên là xã Tân Hưng. Từ tháng 7.2008, theo yêu cầu phát triển và mở rộng thành phố, xã Tân Hưng chuyển từ huyện Gia Lộc về TP Hải Dương. Năm 2019, xã Tân Hưng trở thành phường Tân Hưng.

Tân Hưng là vùng đất cổ, tại địa phương có khá nhiều di tích lịch sử, văn hóa gồm 6 ngôi đình, 3 ngôi đền, 7 ngôi chùa, 5 ngôi miếu, 3 nghè, 2 quán và 4 nhà thờ họ. Trong hệ thống di tích lịch sử, văn hóa của phường, ngoài đình Liễu Tràng được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, còn 4 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, trong đó có đình Khuê Chiền. Đình thờ võ tướng Đào Huy Lực, có công giúp Tản Viên Sơn Thánh đánh giặc, được sắc phong Thượng đẳng thần.

Theo Thần tích, thần sắc hiện lưu giữ tại Viện Thông tin khoa học xã hội Hà Nội, vào thời Hùng Duệ Vương, ở đạo Sơn Nam có gia đình họ Đào, chồng là Đào Huy Phẩm, vợ là Hoàng Thị Mưu, gia cảnh nghèo khó, lấy nghề chặt củi làm kế sinh nhai. Ông bà ăn ở lương thiện, tu nhân tích đức, được mọi người trong vùng nể phục. Giờ Thìn, ngày rằm tháng 2 năm Kỷ Sửu, bà sinh một cậu con trai khôi ngô tuấn tú, đặt tên là Đào Huy Lực. Lớn lên, Lực công có tài văn võ, sức khỏe vô song.

Bấy giờ, giặc Ai Lao đem quân sang xâm lược nước ta. Nhà vua vô cùng lo lắng, hạ chiếu tìm người tài giỏi ra giúp nước. Vào thời gian này, vua Duệ Vương nhường ngôi cho con rể là Tản Viên Sơn Thánh và để Tản Viên Sơn Thánh phát động, chỉnh sức tinh binh vạn mã, chia làm 5 ngả, hội ở cửa bể, quân thuỷ, bộ cùng tiến đánh giặc.

Hưởng ứng lời hiệu triệu của nhà vua, Lực công nguyện đem sức mình phò vua giúp nước. Khi đem quân đến đất Dương Tuyền, Hạ Hồng phủ, Gia Phúc huyện, Liễu Thị khu (sau đổi là Khuê Liễu khu) thấy mảnh đất sơn thuỷ hữu tình, long hổ quanh quất bao bọc, ông truyền cho binh sĩ thiết lập đồn sở và lấy ở bản trang 25 người cường tráng làm gia thần, sau đó cùng binh sĩ tiến quân ra cửa bể, đại phá một trận, bắt được nghìn quân giặc, thu nhiều khí giới, xe ngựa.

Quân giặc được dẹp yên, đất nước trở lại thanh bình, Tản Viên Sơn Thánh lập tức làm thư tấu dâng vua. Vua ban chiếu cho Đào Huy Lực về kinh mở tiệc ăn mừng, gia phong là Quan tướng quân, nhận thực ấp ở Liễu Thị khu, phủ Hạ Hồng. Một thời gian sau, ông mất tại đây. Vua vô cùng thương tiếc, liền truyền lệnh sai đình thần đến hành lễ và cho phép bản trang xây đền, miếu tôn thờ, khen phong mỹ tự: “Càn hải đại lượng linh lực cư sĩ uy linh hiển hựu Đại vương”.

Theo văn bia, từ năm Cảnh Hưng 46 (1785) ngôi đình Khuê Chiền đã rất khang trang, năm Minh Mệnh 10 (1829), di tích tiếp tục được tu bổ, tôn tạo. Phía trước đình có 1 dãy dải vũ ba gian và hai gian nhà khách. Năm 1958, hai gian nhà khách bị thực dân Pháp đốt. Năm 1962, ba gian dải vũ bị tháo dỡ để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Hiện nay, di tích có kiến trúc kiểu tiền nhất, hậu đinh gồm 5 gian đại bái, 3 gian trung đình và 1 gian hậu cung, chất liệu gỗ tứ thiết còn chắc chắn.

Toà đại bái dài 13,55 m, rộng 7,1 m, xây tường hồi bít đốc, bờ nóc đắp nổi đề án lưỡng long chầu nhật, gối đỡ mặt nhật là mặt hổ phù, miệng ngậm chữ thọ, hai tay dang rộng đang cố vươn mình lên cao, hoạ tiết điêu khắc tỉ mỉ, sinh động. Hai đầu nhà gắn lạc long đuôi cuộn tròn vắt trên hồi đấu. Kết cấu khung vì chịu lực kiểu kẻ chuyền, chồng rường và kèo cầu trụ báng. Phía trước của mỗi vì kèo là các đầu bẩy hiên, bẩy hiên luồn qua cột quân, đỡ xà nách. Tại các đầu bảy chạm khắc theo đề tài lá hóa long, lá lật...

Tòa trung đình dài 7,55 m, rộng 3,2 m, kết cấu vì kiểu kèo cầu với  kỹ thuật bào trơn đóng bén. Tòa hậu cung dài 2,95 m, rộng 1,5 m, vì kèo kiểu thuận chữ công, mái lợp ngói mũi. Tại đây, bài trí tượng thờ Đào Huy Lực. Tượng chất liệu gỗ, niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX), tạc kiểu chân dung thể khối ở tư thế ngồi trên bệ vuông giật cấp.

Mặc dù trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo ở những giai đoạn sau này, song di tích đình Khuê Chiền vẫn giữ được vẻ đẹp của một ngôi đình cổ và là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn trên mảnh đất xứ Đông.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hằng năm tại di tích có nhiều kỳ lễ hội nhưng quan trọng nhất là lễ hội tháng giêng, diễn ra từ ngày 11-21, gọi là lễ đình đám. Ngày 13 chính hội, tổ chức rước tượng thần từ đình ra miếu. Ngày 14, tế an vị. Ngày 15, rước chạ. Từ xa xưa, 3 làng Khuê Liễu, Liễu Tràng và Khuê Chiền đã kết chạ với nhau, do đó vào ngày 15 nhân dân 3 làng cùng tổ chức rước long đình từ đình của làng mình đến quán Sếu hợp tế, chiều rước trở về và tiếp tục tổ chức lễ hội đến ngày 21 thì tế giã đám, đóng cửa đình. Hiện nay, lễ hội rút ngắn lại còn hai ngày, phần lễ chỉ tổ chức tế tại đình, không tổ chức rước, phần hội có các trò chơi dân gian đánh cờ người, bắt vịt, kéo co... thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tại di tích còn lưu giữ nhiều di vật, cổ vật có giá trị như bia ký, câu đối, đại tự, long đình… đặc biệt là 8 đạo sắc phong của các triều đại: Cảnh Hưng 44 (1783), Quang Trung 5 (1792), Cảnh Thịnh 4 (1796), Minh Mệnh 2 (1821), Thiệu Trị 4 (1844), Tự Đức 3 (1850) và Khải Định 9 (1924).

Đình Khuê Chiền không chỉ là nơi thờ thành hoàng mà trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ còn là trụ sở làm việc của UBND xã và trường dạy học. Ngày nay, đình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh của nhân dân địa phương.

Quán Sếu ở đâu?



Quán Sếu hiện nay được xây dựng trên nền quán cũ, nằm trong quần thể di tích lịch sử cấp tỉnh đình, miếu, quán Sếu

“Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng/ Trong ba làng ấy không làm có ăn”. Có lẽ những người dân Tân Hưng (TP Hải Dương) không ai là không thuộc câu ca nói về cuộc sống khấm khá do nghề khắc ván in mang lại cho người dân địa phương trong nhiều thế kỷ từ XV - XX. Đình, miếu, quán trên nằm ở 3 thôn của Tân Hưng, gồm Thanh Liễu (trước là Hồng Lục), Khuê Liễu và Liễu Tràng. Trong đó, các đặc điểm, kiến trúc, giá trị của đình Sinh, chùa Tràng đều được các tài liệu ghi lại một cách cụ thể, chính xác. Duy chỉ có di tích quán Sếu vẫn còn một số thông tin chưa thống nhất.

Nghề khắc ván in ở Tân Hưng do Thám hoa Lương Như Hộc - người được coi là “ông tổ” nghề in truyền dạy. Theo “Địa chí TP Hải Dương”, Thám hoa Lương Như Hộc có tên tự là Tường Phủ, sinh năm Canh Tý 1420, mất năm Tân Dậu 1501, người làng Hồng Liễu, trước thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân, sau đổi thành làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng (Gia Lộc). Năm 2008, xã Tân Hưng sáp nhập vào TP Hải Dương và nay là phường Tân Hưng.

Qua hai lần đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) vào năm 1443 và 1459 , Thám hoa Lương Như Hộc đã học được nghề khắc ván in và về truyền dạy cho người dân quê hương nơi ông sinh ra. Từ 2 học trò ban đầu, nghề khắc in mộc bản hình thành làng nghề đầu tiên tại thôn Hồng Lục, rồi lan sang Khuê Liễu và Liễu Tràng. Ba thôn này tạo nên trung tâm khắc in mộc bản của cả nước suốt 5 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX).

Nhằm giới thiệu mộc bản, kinh Phật, các loại sách... do người Tân Hưng khắc in, Thám hoa Lương Như Hộc cho xây dựng một quán sách, đặt tên là quán Tam Dương (còn gọi là quán Sếu). Đây được coi là quán sách đầu tiên của nước ta.

Trong một số tài liệu còn lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh có viết: “Xưa, quán Sếu tọa lạc tại vị trí đắc địa phía đầu làng, trên một khu đất rộng. Trước mặt quán có 1 con đường cái chính chạy từ phủ Ninh Giang, qua trung tâm huyện Gia Lộc rồi đến quán Sếu xuống đò Gốc Mít để sang bên tỉnh lỵ. Vì là địa điểm chờ đò, nơi trung chuyển nên Thám hoa Lương như Hộc đã trình bày kinh sách và các mộc bản để khách chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn, trao đổi, mua bán, tạo việc làm cho người dân Hồng Lục (còn gọi là Thanh Liễu), quán ấy có tên là quán Tam Dương và bị hủy hoại hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc”.

Trong tập 1 cuốn “Nghề cổ truyền” do Hội đồng Nghiên cứu biên soạn lịch sử tỉnh Hải Dương xuất bản năm 1987 có viết: “Tam Dương quán hay quán Sếu ở đầu làng Khuê Liễu, nơi bán sách thời cổ và chỗ dừng chân của khách đến tìm thợ khắc in nay còn ba gian nhỏ nhưng không còn sầm uất như xưa”.​




Tuy nhiên, trong một số tài liệu khác lại ghi, quán Sếu tọa lạc ở đầu thôn Liễu Tràng.

Như vậy, có thể thấy, một số tài liệu không thống nhất trong việc xác định địa danh quán Sếu nằm tại đâu. Ông Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Hải Dương cho biết, ban đầu các tài liệu nghiên cứu về nghề khắc ván in và các địa danh liên quan đến địa phương này không được đầy đủ. Đặc biệt, đình Sinh, nơi thờ chính cụ Lương Như Hộc bị cháy trong kháng chiến chống Pháp, chỉ đình làng Liễu Tràng còn nguyên vẹn. Do vậy, khi xác định nghề khắc ván in đều đưa về làng Liễu Tràng. Sau khi nghiên cứu đầy đủ tư liệu, hiện vật, Hội Sử học tỉnh thấy rằng, mỗi làng đều có những đóng góp chung cho nghề khắc ván in và di tích quán Sếu được xác minh nằm tại thôn Khuê Liễu.

Ông Phạm Xuân Ứng, công chức văn hóa - thông tin phường Tân Hưng cho biết: “Cách đây hơn chục năm, một người con Khuê Liễu đã đóng góp, hỗ trợ xây dựng lại quán trên nền đất cũ. Năm 2016, quán Sếu cùng với đình, miếu Sếu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh".

Để tưởng nhớ công đức to lớn của tổ nghề Lương Như Hộc, hằng năm vào ngày 13/8 âm lịch, cả 3 làng trong xã đều làm lễ giỗ tổ nghề và cũng để lại câu ca: "Làng Sếu đốt vàng, làng Tràng thổi xôi, đình Sinh cúng cụ".

Những năm qua, quán Sếu và một số di tích khác liên quan đến nghề khắc ván in ở Tân Hưng đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành liên quan từ trung ương đến địa phương. Nhiều học giả nước ngoài cũng tới đây để nghiên cứu về lịch sử nghề khắc ván in ở Việt Nam.​